Tình trạng Trồng rồi lại chặt

Tại miền Bắc Việt Nam, ở các tỉnh Bắc Giang, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ,...diễn ra việc chặt vải thiều để trồng cây ăn quả có múi như cam, bưởi,...các loại quả như bưởi từng có giá gần 30.000 VND/kg khi hàng hóa dồn ứ giá tuột xuống chỉ còn 5.000 VND/kg dẫn đến từ 2022 bắt đầu xảy ra hiện tượng nông dân chặt cây bưởi đã trồng. Vùng trồng cam Cao Phong được biết đến rộng rãi của tỉnh Hòa Bình có diện tích 900 ha trồng cam năm 2010. Diện tích đã gia tăng lên gần 3.000 ha vào năm 2021 nhưng sau đó nông dân lại tiến hành chặt bỏ, đến 2022 diện tích chỉ còn 1.700 ha. Nông dân chuyển sang trồng chuối, mía, dứa.[1]

Sầu riêng được bán tại đường phố ở Việt Nam.

Tại miền Đông Nam Bộ, nông dân Đồng Nai đua nhau chặt chôm chôm tróc để trồng chôm chôm nhãn, rồi đến năm 2016 lại chặt để trồng chôm chôm Thái. Nguyên nhân là do giá cả, trong khi chôm chôm tróc chỉ có giá 5.000 - 6.000 VND/kg, chôm chôm nhãn có giá 15.000 VND/kg thì chôm chôm Thái có giá 18.000 VND/kg.[5] Vào năm 2018 ở Trảng Bom, Đồng Nai, nhiều diện tích hồ tiêu bị chặt để trồng chuối cấy mô, do nông dân thấy giá tiêu quá thấp còn giá chuối lại quá cao.[6] Vào năm 2022, nhiều diện tích thanh longBà Rịa - Vũng Tàu bị đốn để chuyển sang cây trồng khác.[7] Tại Bình Phước, người dân chặt điều, hồ tiêu, cao su, cà phê,...để trồng sầu riêng. Đến năm 2022, diện tích trồng sầu riêng là 4.802 ha, trong khi đó diện tích cà phê giảm 604 ha, diện tích trồng hồ tiêu giảm 1.144 ha.[8] Tháng 9 năm 2022, sầu riêng của Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc dẫn đến việc chặt để trồng sầu riêng diễn ra mạnh hơn.[2]

Năm 2016, người dân ở Mang Yang và một số huyện khác ở Gia Lai, đã ồ ạt chặt cây cao su trên 10 năm tuổi[9] và chặt cây cà phê để trồng chanh dây.[10] Điều này do giá mủ cao su hiện tại thấp, trong khi chanh dây có giá 20.000 VND/kg.[9] Tuy nhiên, đến 2023, giá chanh dây tuột xuống mạnh khiến người trồng bị lỗ nặng.[11] Năm 2022, ở Bình Thuận có 2.500 ha thanh long bị chặt để chuyển sang cây trồng khác, 1.500 ha khác ngừng canh tác.[12]

Từ những năm 2010, tại các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ, như Tiền Giang, diễn ra việc phá bỏ lúa trồng mít, sau đó chặt bỏ các vườn mít để trồng sầu riêng.[1][13] Một số vùng trồng trực tiếp từ lúa lên vườn sầu riêng.[3] Năm 2012 ở Vĩnh Long, Hậu Giang, nông dân bỏ lúa trồng cam sành do họ thấy giá cam sành tăng cao. Giá lên đến 33.000 VND/kg, thậm chí vẫn có lợi nhuận nếu giá chỉ ở mức 7.000 VND/kg, vì chi phí chỉ khoảng 4.000 VND. Theo một đánh giá, một hecta lúa mang đến lợi nhuận 50 triệu VND nhưng cùng diện tích lợi nhuận trồng cam sành là 500 triệu.[14] Tuy nhiên, đến năm 2018, nông dân lại phải chặt cam để trồng các loại cây ăn quả khác do hàng quá nhiều, giá cả không ổn định trong khi vật tư nông nghiệp lớn.[15] Nông dân Vĩnh Long đã chuyển sang trồng mít Thái siêu sớm khi giá loại quả lên đến 50.000 VND/kg vào dịp Tết. Diện tích mít huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang tăng nhanh từ hơn 600 ha trong năm 2017 lên gần 1.000 ha trong năm 2018.[16]

Năm 2012, mặc dù sản lượng dừa của Bến Tre gia tăng nhưng Trung Quốc chỉ nhập ít hơn, giảm 70%, cùng thời điểm giá dừa toàn cầu sụt giảm, khiến nông dân ồ ạt chặt dừa, nhiều người chuyển sang trồng bưởi da xanh.[17] Vào năm 2015 ở Hậu Giang và Sóc Trăng, giá thanh long tuột xuống chỉ còn 3.000 VND/kg, giá đu đủ là 500-1.000 VND/kg, dẫn đến nông dân chặt bỏ để trồng chanh không hạt khi giá loại quả này lên đến 20.000 VND/kg.[18]Bến Tre, vào năm 2018, nông dân chặt vườn cây măng cụt sau nhiều năm chúng có giá cao, nhưng họ không trồng lại loại cây ăn trái khác mà trồng các loại hoa kiểng và cây giống.[19] Năm 2022, nhiều khu vực ở Long An nông dân cũng bắt đầu chặt thanh long để trồng các loại cây khác.[12]

Sầu riêng hiện đang là nông sản giá trị kinh tế cao, theo Đề án "Phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện diện tích sẽ là 75.000 ha đến năm 2030 nhưng đến năm 2022 diện tích trồng đã tăng lên đến 110.000 ha, phân bổ khắp miền Tây, miền Đông và Tây Nguyên.[3] Điều này dẫn đến rủi ro rất lớn do vấn đề đầu ra hàng hóa.[3][8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trồng rồi lại chặt https://www.sggp.org.vn/bao-gio-thoat-khoi-vong-la... https://thanhnien.vn/binh-phuoc-lo-ngai-tinh-trang... https://quochoitv.vn/tieu-diem-chuyen-doi-cay-tron... https://vtc.vn/nong-dan-o-at-bo-lua-trong-sau-rien... https://danviet.vn/vi-sao-nong-dan-tien-giang-o-at... https://vtv.vn/kinh-te/thanh-long-ruot-do-di-nhat-... https://vov.vn/kinh-te/chat-bo-thanh-long-o-ba-ria... https://vov.vn/kinh-te/vi-dang-cay-lam-giau-post93... https://thanhnien.vn/o-at-don-bo-mang-cut-18576751... https://thanhnien.vn/o-at-chat-tieu-trong-chuoi-ca...